Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS hiện nay. Việc điều trị ARV sẽ giảm sự phá hủy tế bào do HIV, giảm nguy cơ tử vong do các nhiễm trùng cơ hội và các bệnh liên quan đến AIDS, giúp sức khỏe người bệnh dần hồi phục, từ đó lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, tại Đắc Lắc, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị hiện còn thấp, chỉ chiếm khoảng 26,7% (449/1679).Có nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng này.
Kỳ thị và phân biệt đối xử
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS tại Đắc Lắc vẫn đang tiếp tục cản trở những hoạt động phòng, chống HIV, khiến những nhóm người dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. BS. Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đắc Lắc cho hay, có rất nhiều trường hợp nhiễm HIV đến điều trị muộn với các nhiễm trùng cơ hội nặng phải chuyển đến các trung tâm chuyên khoa như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hoặc Trung tâm Da liễu tỉnh. Một số trường hợp đã tử vong mà không kịp quay lại điều trị ARV…
Xét nghiệm phát hiện HIV.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn ngại tiếp xúc với cán bộ y tế, sợ người thân và gia đình biết nên việc tiếp cận thuốc điều trị của bệnh nhân rất khó khăn. Bệnh nhân khai tên, tuổi, địa chỉ khi đến tiếp xúc ban đầu với cơ sở điều trị không đúng với thực tế. Khi giám sát thường không tìm thấy bệnh nhân như trong danh sách đăng ký ban đầu dẫn đến hiện tượng “mất dấu” bệnh nhân. Chính vì thế, nhân viên y tế không thể tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS để họ sớm tiếp cận điều trị ARV; đồng thời không thể cung cấp dịch vụ có liên quan đến người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS như thuốc phòng, chống nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần, các biện pháp can thiệp dự phòng như sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm…
Khó khăn chồng chất
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 3 phòng khám điều trị ngoại trú (OPC) dành cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS gồm: Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại phòng khám, cán bộ làm công tác khám và điều trị là cán bộ kiêm nhiệm, luân phiên thay đổi nên việc giám sát theo dõi tuân thủ điều trị của bệnh nhân không liên tục đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị chăm sóc cho bênh nhân.
BS. Lê Đình Vinh cho biết, bước sang năm 2017, thuốc ARV không còn được cấp miễn phí mà thanh toán bằng bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi độ bao phủ thẻ BHYT ở những người đang điều trị ARV mới chỉ đạt 33,3% (trong số 531 người nhiễm HIV/AIDS tham gia điều trị ARV vẫn còn 177 trường hợp không có BHYT). Nếu không có thẻ BHYT, nhiều người nhiễm HIV phải ngưng điều trị ARV, bởi hầu hết người nhiễm HIV/AIDS đều là người có hoàn cảnh khó khăn.. Nếu không còn nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, hoặc không có BHYT thì nhiều bệnh nhân khó có thể tiếp cận điều trị thuốc ARV. BHYT là một trong những nguồn lực bảo đảm cho người nhiễm HIV/AIDS sử dụng các dịch vụ y tế và thuốc ARV một cách bền vững.
Chung tay phòng chống HIV/AIDS
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắc Lắc đã có chủ trương hỗ trợ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ, huy động các nguồn kinh phí để hỗ trợ thẻ BHYT cho một số người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh đã có dự thảo thành lập “Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV” để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV trình UBND và HĐND tỉnh...
Chung tay phòng chống HIV/AIDS.
Truyền thông là một trong những biện pháp chủ yếu trong phòng, chống HIV/AIDS. Hoạt động truyền thông giáo dục được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đắc Lắc rất chú trọng. Các nhân viên y tế sẵn sàng tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi họ đến nhận thuốc, hay làm xét nghiệm tế bào CD4 tại các phòng khám điều trị ngoại trú (OPC). Bên cạnh đó, Trung tâm còn chỉ đạo các đơn vị tuyến huyện thường xuyên giám sát, thăm hộ gia đình, theo dõi, nhắc nhở, giúp đỡ, động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị. Đối với các trường hợp đến xét nghiệm tự nguyện, nếu khẳng định dương tính theo quy định của chương trình sẽ được đưa vào điều trị thuốc ARV sớm, đồng thời tư vấn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà tuân thủ điều trị, hạn chế lây lan trong cộng đồng; phối hợp hoạt động với chương trình Lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và các chương trình y tế tại cộng đồng, với các cán bộ y tế tại trạm y tế xã phường, trung tâm y tế huyện, các câu lạc bộ đồng đẳng và người nhiễm HIV để tăng sự tiếp cận điều trị cho bệnh nhân AIDS.
Với những nỗ lực này, trong thời gian tới, hy vọng công tác phòng chống HIV/AIDS ở Đắc Lắc chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
Nguyễn Hạnh